SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH - CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,19-31)
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. 24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”. 30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
SUY NIỆM
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng giữa Chúa Giêsu phục sinh và tông đồ Tôma. Vì không thấy Chúa hiện ra lần đầu, Tôma đã cương quyết đòi một dấu chứng cụ thể: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không đặt ngón tay vào lỗ đinh và không đặt tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25). Tám ngày sau, Chúa hiện đến và bảo ông: “Hãy đặt ngón tay con vào đây… Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Trước bằng chứng không thể chối cãi, Tôma quá đỗi kinh ngạc, đã thốt lên lời tuyên xưng mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Đây không chỉ là lời khẳng định lý thuyết, mà là một sự quy phục thẳm sâu, một sự gắn bó cá vị với Đấng phục sinh.
Thế nhưng, tại sao Chúa phục sinh vẫn giữ lại các vết thương tích? Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích rằng, những vết thương này chính là bằng chứng Người thực sự đã chịu khổ nạn và chịu chết vì nhân loại (x. GLHTCG số 626, 645). Thánh Tôma Aquinô còn nhấn mạnh: Chính những vết thương của Chúa giúp củng cố đức tin của các môn đệ và biểu lộ tình yêu cứu độ của Người (x. Summa Theologiae, III, q. 54, a. 4). Như thế, Tôma nghĩ rằng, phải “chạm bàn tay” vào vết thương của Chúa thì mình mới tin, nhưng khi Chúa Giêsu hiện ra và mời gọi, thì chính ân sủng của Người đã “chạm lòng ông”. Thế nên, ngay lập tức, ông đã tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn và mạnh mẽ.
Mỗi người chúng ta cũng mang trong mình những vết thương - có thể là những đau đớn thể xác, những tổn thương tinh thần, những thất bại đắng cay; thậm chí, những mặc cảm tội lỗi. Tin mừng hôm nay chính là một lời mời gọi: Chúa Giêsu không tránh né vết thương của chúng ta. Ngược lại, Người đã mang lấy nó và biến nó thành dấu chỉ của tình yêu cứu độ. Điều quan trọng là chúng ta có dám để Người chạm vào vết thương của mình không?
Chính thánh nữ Faustina, vị tông đồ của Lòng Chúa thương xót, đã nhận được mặc khải từ Chúa: “Những thương tích của Ta chính là nguồn suối của lòng thương xót vô biên. Những ai tin tưởng vào lòng thương xót của Ta sẽ không bao giờ bị bỏ rơi” (Nhật ký, số 299). Hôm nay, Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa mời gọi chúng ta đến gần, để chạm vào lòng thương xót của Người, đặc biệt qua bí tích Hòa giải và Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin chạm đến những vết thương của chúng con, xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, để mỗi ngày chúng con biết tìm kiếm và tín thác trọn vẹn vào lòng Chúa thương xót. Amen.